198-QC/BCSĐ - Chương I

QUYẾT ĐỊNH 198-QĐ/BCSĐ

Chương I. CHỨC NĂNG, NHIỆM VỤ, QUYỀN HẠN CỦA BAN CÁN SỰ ĐẢNG

Điều 1. Vị trí, chức năng

Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây gọi tắt là Ban cán sự Đảng) là tổ chức đảng do Ban Bí thư quyết định thành lập, chịu sự lãnh đạo trực tiếp và thường xuyên của Bộ Chính trị, Ban Bí thư; thực hiện chức năng lãnh đạo, chỉ đạo đối với Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông (viết tắt là TTTT) và một số Hội quần chúng ở Trung ương do Đảng, Nhà nước giao nhiệm vụ theo quy định của Điều lệ Đảng và các quy định, hướng dẫn của Trung ương.

Điều 2. Nhiệm vụ của Ban cán sự Đảng

  1. Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phương hướng, nhiệm vụ chính trị của Bộ, ngành, lĩnh vực TTTT; tổ chức bộ máy, cán bộ theo thẩm quyền, phân cấp; lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng; phối hợp với các cấp ủy đảng thực hiện công tác xây dựng, chỉnh đốn Đảng và hệ thống chính trị trong đảng bộ.

  2. Ban cán sự Đảng thảo luận tập thể, biểu quyết và quyết nghị các vấn đề sau:

2.1 Lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung công việc chung theo quy định:

a) Lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện nhiệm vụ chính trị của ngành và lĩnh vực TTTT. Cụ thể hoá chủ trương, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước thành các chương trình, kế hoạch thực hiện của Bộ, ngành, lĩnh vực TTTT.

b) Lãnh đạo, chỉ đạo xây dựng văn bản quy phạm pháp luật, đề án quan trọng mà Ban cán sự Đảng, Bộ TTTT có trách nhiệm soạn thảo.

c) Triển khai thí điểm một số chủ trương mới theo quyết định của Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

d) Lãnh đạo, chịu trách nhiệm toàn diện về tổ chức, bộ máy và biên chế, công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ theo phân cấp.

đ) Lãnh đạo công tác kiểm tra việc chấp hành chủ trương, quy định của Đảng trong lĩnh vực TTTT. Cho chủ trương, quan điểm xử lý kỷ luật đảng viên là cán bộ, công chức, viên chức thuộc thẩm quyền theo phân cấp quản lý.

2.2 Lãnh đạo, chỉ đạo một số nội dung công việc cụ thể:

a) Xác định phương hướng, nhiệm vụ, mục tiêu, chiến lược, quy hoạch, chương trình, kế hoạch dài hạn, trung hạn, hằng năm và các chương trình, đề án, dự án quan trọng của Bộ, ngành TTTT.

b) Cho ý kiến về kế hoạch và dự toán ngân sách hằng năm, 5 năm của Bộ TTTT.

c) Sơ kết, tổng kết việc thực hiện đường lối, chủ trương, nghị quyết, chính sách của Đảng, Nhà nước có liên quan đến nhiệm vụ của Bộ, ngành Thông tin và Truyền thông.

d) Thực hiện công tác tổ chức bộ máy:

Trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng thảo luận tập thể, quyết nghị để Bộ trưởng quyết định hoặc đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định:

  • Đề án sắp xếp hệ thống tổ chức bộ máy cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ; Đề án thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các cơ quan hành chính, đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ.

  • Đề án thành lập, tổ chức lại, sáp nhập, giải thể các tổ chức chính trị - xã hội trực thuộc Bộ.

  • Đề án tổng thể sắp xếp, đổi mới của doanh nghiệp trực thuộc Bộ.

đ) Về công tác cán bộ:Trên cơ sở đề nghị của Bộ trưởng, Ban cán sự Đảng thảo luận tập thể, quyết nghị các vấn đề sau:

  • Đề nghị cấp có thẩm quyền quyết định hoặc chấp thuận quy hoạch, bố trí đội ngũ cán bộ; thực hiện chế độ chính sách; bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, cách chức, miễn nhiệm, đình chỉ công tác, khen thưởng, kỷ luật đối với cán bộ thuộc thẩm quyền quyết định của Bộ Chính trị, Ban Bí thư và Thủ tướng Chính phủ theo quy chế phân cấp quản lý cán bộ của Trung ương.

  • Phê duyệt quy hoạch và phân cấp phê duyệt quy hoạch cán bộ quản lý thuộc thẩm quyền của Bộ TTTT.

  • Quyết nghị để Bộ trưởng quyết định, quyết định công nhận, cho ý kiến, cho chủ trương bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, điều động, luân chuyển, biệt phái, nhận xét, đánh giá, bãi nhiệm, miễn nhiệm, khen thưởng, kỷ luật và thực hiện chính sách cán bộ đối với cán bộ theo quy định về phân cấp quản lý cán bộ.

  • Cho ý kiến để Hội đồng Học viện quyết định nhân sự Giám đốc học viện, phó giám đốc Học viện.

  • Cho ý kiến về nhân sự của các tổ chức chính trị - xã hội; người đứng đầu các Hội, Hiệp hội xã hội - nghề nghiệp thuộc lĩnh vực TTTT.

e) Về công tác thi đua, khen thưởng:Ban cán sự Đảng xem xét, cho ý kiến đối với các trường hợp khen thưởng được quy định tại Luật Thi đua, khen thưởng và các văn bản hướng dẫn thực hiện công tác thi đua, khen thưởng.

  1. Phối hợp với các ban, cơ quan Trung ương của Đảng, các cấp ủy, tổ chức đảng trực thuộc Trung ương và Đảng ủy Bộ TTTT để thực hiện tốt chức năng, nhiệm vụ được giao, xây dựng đảng bộ cơ quan trong sạch, vững mạnh.

Điều 3. Quyền hạn của Ban cán sự Đảng

  1. Thực hiện quyền hạn của mình theo quy định và chịu trách nhiệm trước Bộ Chính trị, Ban Bí thư về các quyết định của mình.

  2. Được sử dụng bộ máy giúp việc chuyên trách và bộ máy giúp việc chuyên môn của Bộ TTTT để thực hiện nhiệm vụ.

  3. Dự các cuộc họp do Bộ Chính trị, Ban Bí thư triệu tập.

  4. Được các cơ quan có trách nhiệm cung cấp thông tin:

  • Nghị quyết, chỉ thị, quy định của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước ban hành và các thông tin liên quan.

  • Báo cáo tổng kết, báo cáo chuyên đề của các ban, cơ quan Trung ương của Đảng, Nhà nước, Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và tổ chức chính trị - xã hội ở Trung ương có liên quan đến nhiệm vụ của Ban cán sự Đảng.

Việc cung cấp thông tin cho các thành viên Ban cán sự Đảng do Bí thư (hoặc Phó Bí thư được ủy quyền) xem xét, quyết định.

Last updated