198-QC/BCSĐ - Chương III

Quyết định 198- QĐ/BCSĐ

Chương III. CƠ CẤU TỔ CHỨC, NGUYÊN TẮC VÀ CHẾ ĐỘ LÀM VIỆC

Điều 8. Cơ cấu tổ chức Ban cán sự Đảng

Thành viên Ban cán sự Đảng Bộ TTTT gồm: Bộ trưởng, các Thứ trưởng và Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ. Bộ trưởng làm Bí thư Ban cán sự Đảng, 01 Thứ trưởng làm Phó Bí thư Ban cán sự Đảng.

Điều 9. Văn phòng Ban cán sự Đảng

1. Ban cán sự Đảng lập Văn phòng Ban cán sự Đảng kiêm nhiệm đặt tại Văn phòng Bộ hoặc Vụ Tổ chức cán bộ; Chánh Văn phòng Ban cán sự Đảng là Chánh Văn phòng Bộ hoặc Vụ trưởng Vụ Tổ chức cán bộ kiêm nhiệm, có 01 Phó Chánh Văn phòng và một số cán bộ giúp việc kiêm nhiệm hoặc chuyên trách, do Ban cán sự Đảng xem xét, quyết định; Ban cán sự Đảng được sử dụng đội ngũ cán bộ của Bộ TTTT để triển khai thực hiện nhiệm vụ.

2. Ban cán sự Đảng ban hành quy chế hoạt động của Văn phòng Ban cán sự Đảng; sử dụng con dấu theo quy định của Ban Bí thư.

3. Văn phòng Ban cán sự Đảng có nhiệm vụ: Chủ trì phối hợp, tham mưu, giúp Ban cán sự Đảng chuẩn bị nội dung, ghi biên bản cuộc họp, thực hiện công tác văn thư, lưu trữ. Thực hiện nhiệm vụ tổng hợp thông tin, theo dõi, đôn đốc việc phối hợp giữa Ban cán sự Đảng với các cơ quan, tổ chức, cá nhân liên quan trong thực hiện nhiệm vụ và lãnh đạo công tác kiểm tra; thực hiện các nhiệm vụ khác do Ban cán sự Đảng giao.

Điều 10. Nguyên tắc làm việc

1. Ban cán sự Đảng làm việc theo nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể lãnh đạo, cá nhân phụ trách, quyết định theo đa số. Đảm bảo các quy định của Đảng, thực hiện nghiêm túc nguyên tắc tự phê bình, phê bình và trách nhiệm nêu gương của cán bộ, đảng viên.Đối với những chủ trương công tác, vấn đề quan trọng, vượt thẩm quyền phải xin ý kiến Bộ Chính trị, Ban Bí thư. Khi bàn về nhân sự thuộc diện Bộ Chính trị, Ban Bí thư quản lý mà các thành viên Ban cán sự Đảng có ý kiến khác nhau, qua thảo luận không thống nhất (biểu quyết không đạt đa số quá bán) thì báo cáo đầy đủ các ý kiến khác nhau đó với Bộ Chính trị, Ban Bí thư.

Khi Ban cán sự Đảng đã quyết nghị, các thành viên phải chấp hành và tổ chức thực hiện nghiêm túc nghị quyết.

2. Ban cán sự Đảng thảo luận, quyết định tập thể những vấn đề thuộc nhiệm vụ, quyền hạn của mình được quy định tại Quy chế này. Nghị quyết Ban cán sự Đảng chỉ có giá trị khi có quá nửa số thành viên Ban cán sự Đảng tán thành. Nghị quyết, quyết định của Ban cán sự Đảng, các ý kiến thảo luận nội bộ phải được bảo mật theo quy định; phải xác định cụ thể cách thức tổ chức thực hiện; trách nhiệm, thẩm quyền của thành viên được phân công phụ trách thực hiện.

3. Ban cán sự Đảng phân công nhiệm vụ các thành viên Ban cán sự Đảng trên cơ sở bàn bạc, thống nhất trong tập thể để Bộ trưởng có căn cứ phân công chính thức trong Lãnh đạo Bộ. Chỉ phân công lại nhiệm vụ khi Bí thư Ban cán sự Đảng đề xuất hoặc khi có ít nhất 2/3 số thành viên đề nghị.

4. Quan hệ phối hợp công tác giữa Ban cán sự Đảng với các cơ quan, tổ chức liên quan phải bảo đảm sự lãnh đạo tập trung thống nhất của Đảng; đúng chủ trương, đường lối của Đảng, chính sách, pháp luật của Nhà nước; phù hợp với nguyên tắc tổ chức, hoạt động và chức năng, nhiệm vụ, quyền hạn của mỗi cơ quan, tổ chức. Bảo đảm kịp thời, chặt chẽ, hiệu quả trên cơ sở hợp tác, tạo điều kiện thuận lợi để mỗi cơ quan, tổ chức hoàn thành tốt nhiệm vụ.

Điều 11. Chế độ làm việc

1. Ban cán sự Đảng họp định kỳ 01 tháng một lần, họp chuyên đề và đột xuất khi cần; Các cuộc họp chỉ được thực hiện khi có ít nhất 2/3 số thành viên tham dự. Nội dung cuộc họp phải ghi biên bản và ra nghị quyết để tổ chức thực hiện. Trường hợp cần thiết và đột xuất không tổ chức được cuộc họp thì lấy ý kiến các thành viên bằng văn bản (trừ nội dung có liên quan đến công tác cán bộ thực hiện theo quy định và theo chỉ đạo của Trung ương), nếu quá thời hạn quy định mà không trả lời thì được xem là đồng ý.

2. Bí thư Ban cán sự Đảng điều hành công việc chung, phân công nhiệm vụ cho các thành viên; chủ trì các cuộc họp, trực tiếp báo cáo hoặc ký các văn bản của Ban cán sự Đảng. Khi có yêu cầu đột xuất, nếu Bí thư đi vắng hoặc chưa có Bí thư thì Phó Bí thư hoặc một Ủy viên (trường hợp không có Phó Bí thư) được ủy quyền chủ trì cuộc họp và ký văn bản, báo cáo.

3. Phó Bí thư hoặc một Ủy viên (trường hợp không có Phó Bí thư) được phân công giải quyết công việc thường xuyên, giúp Bí thư trực tiếp phụ trách Văn phòng Ban cán sự Đảng; các ủy viên khác thực hiện nhiệm vụ theo phân công. Thành viên Ban cán sự Đảng phải thực hiện nghiêm chế độ bảo mật và phát ngôn về nội dung cuộc họp Ban cán sự Đảng.

4. Căn cứ nội dung cuộc họp, Ban cán sự Đảng mời đại diện các cơ quan, tổ chức có liên quan dự. Cuộc họp có nội dung về công tác xây dựng Đảng, công tác tổ chức, cán bộ phải mời đại diện các ban, cơ quan Trung ương của Đảng có liên quan dự.

5. Sau mỗi Hội nghị Ban Chấp hành Trung ương Đảng, Bí thư Ban cán sự Đảng là Ủy viên Trung ương Đảng (hoặc được mời dự Hội nghị Trung ương) có trách nhiệm truyền đạt nhanh những nội dung cơ bản của Hội nghị đến cán bộ chủ chốt trong Bộ; chỉ đạo thực hiện các nội dung trong nghị quyết liên quan đến Bộ TTTT.

Last updated