209-KH/BCSĐ - Mục V
QUYẾT ĐỊNH 209-KH/BCSĐ
V. QUY TRÌNH, HỒ SƠ LUÂN CHUYỂN, ĐIỀU ĐỘNG CÁN BỘ
1. Quy trình
Bước 1: Đề xuất chủ trương:
Căn cứ nhu cầu luân chuyển công chức lãnh đạo, quản lý của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ (Vụ Tổ chức cán bộ hoặc bộ phận tham mưu về công tác tổ chức cán bộ của đơn vị) tiến hành rà soát, đánh giá đội ngũ công chức lãnh đạo, quản lý của đơn vị; xây dựng kế hoạch luân chuyển chi tiết trình cấp có thẩm quyền xem xét, cho chủ trương. Cụ thể:
- Vụ Tổ chức cán bộ rà soát, xây dựng kế hoạch chi tiết về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp Vụ và tương đương, trình Ban cán sự Đảng xem xét phê duyệt.
- Bộ phận tham mưu về tổ chức cán bộ của các đơn vị thuộc Bộ xây dựng kế hoạch chi tiết về luân chuyển, điều động nội bộ cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương trình thủ trưởng đơn vị phê duyệt (sau khi có ý kiến đồng ý của cấp uỷ cùng cấp).
- Vụ Tổ chức cán bộ tổng hợp, xây dựng kế hoạch chi tiết về luân chuyển, điều động cán bộ lãnh đạo, quản lý cấp phòng và tương đương giữa các đơn vị thuộc Bộ (nếu các đơn vị có đề xuất) trình Bộ trưởng xem xét phê duyệt.
Bước 2. Đề xuất nhân sự luân chuyển, điều động:
Căn cứ vào chủ trương của cấp có thẩm quyền, cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ thông báo để các đơn vị có liên quan đề xuất nhân sự luân chuyển, điều động.
Bước 3: Chuẩn bị nhân sự luân chuyển, điều động:
a) Cơ quan tham mưu về công tác tổ chức cán bộ tổng hợp đề xuất của các đơn vị; tiến hành rà soát tiêu chuẩn, tiêu chí và dự kiến đơn vị, chức danh và nhân sự luân chuyển, điều động; lấy ý kiến nhận xét, đánh giá đối với nhân sự dự kiến luân chuyển, điều động;
b) Cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo, người đứng đầu đơn vị có thẩm quyền và đơn vị sử dụng cán bộ luân chuyển, điều động có trách nhiệm nhận xét, đánh giá về phẩm chất đạo đức, lối sống; năng lực công tác và uy tín; quá trình công tác và ưu, khuyết điểm của người được đề xuất luân chuyển, điều động; có kết luận về tiêu chuẩn chính trị theo quy định của Đảng, báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển, điều động cán bộ.
Bước 4: Trao đổi với các cơ quan liên quan, cán bộ được dự kiến luân chuyển, điều động:
a) Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ gửi văn bản lấy ý kiến thẩm định của các cơ quan liên quan, trao đổi với nơi đi, nơi đến về chức danh và nhân sự luân chuyển; tổng hợp kết quả thẩm định của các đơn vị liên quan;
b) Tổ chức gặp gỡ với cán bộ được luân chuyển, điều động để quán triệt mục đích, yêu cầu luân chuyển, điều động; nắm bắt tâm tư, nguyện vọng và xác định trách nhiệm đối với cán bộ luân chuyển, điều động.
Bước 5: Tổ chức thực hiện luân chuyển, điều động:
a) Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ trình cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định luân chuyển, điều động theo phân cấp quản lý của Ban cán sự Đảng, Bộ trưởng.
b) Cấp có thẩm quyền lãnh đạo, chỉ đạo việc tổ chức thực hiện quyết định luân chuyển, điều động;
c) Cơ quan tham mưu về tổ chức cán bộ phối hợp với các cơ quan có liên quan theo dõi, nhận xét, đánh giá quá trình thực hiện luân chuyển của cán bộ luân chuyển, điều động;
2. Hồ sơ: Hồ sơ luân chuyển và điều động thực hiện như hồ sơ bổ nhiệm theo quy định.
Last updated