206-QĐ/BCSĐ - Chương I

Quyết định 206 - QĐ/BCSĐ

Chương I. QUY ĐỊNH CHUNG

Điều 1. Phạm vi điều chỉnh, đối tượng áp dụng

  1. Quy định này quy định nội dung quản lý cán bộ, nguyên tắc quản lý cán bộ và phân cấp quản lý các chức danh lãnh đạo, quản lý của các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

  2. Quy định này áp dụng đối với các cấp uỷ, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị và cán bộ thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông.

Điều 2. Giải thích từ ngữ

Trong Quy định này, các từ ngữ dưới đây được hiểu như sau:

  1. “Phân cấp” là việc giao nhiệm vụ, quyền hạn của Ban cán sự Đảng cho Bộ trưởng, người đứng đầu các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ được tự chủ, tự chịu trách nhiệm trước pháp luật và trước Ban cán sự Đảng trong việc thực hiện nhiệm vụ, quyền hạn được phân cấp.

  2. “Cán bộ” là cách gọi chung đối với công chức, viên chức được bổ nhiệm giữ chức vụ lãnh đạo, quản lý trong các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

  3. “Đơn vị sự nghiệp công lập trực thuộc Bộ” bao gồm: Học viện, Viện, Trường, Tạp chí, Báo, Nhà Xuất bản, Quỹ, Ban Quản lý Chương trình, Trung tâm.

  4. “Doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ” bao gồm: Tổng Công ty Bưu điện Việt Nam, Tổng Công ty Truyền thông đa phương tiện.

  5. “Cơ quan, đơn vị thuộc Bộ” bao gồm các cơ quan hành chính (Cục, Vụ, Văn phòng, Thanh tra), đơn vị sự nghiệp công lập và doanh nghiệp nhà nước trực thuộc Bộ.

Điều 3. Nội dung quản lý cán bộ

Ban cán sự đảng Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây viết tắt là Ban cán sự Đảng) trực tiếp quản lý, quyết định một số khâu trong công tác cán bộ đối với các chức danh thuộc thẩm quyền quản lý, gồm: quy hoạch, bổ nhiệm, bổ nhiệm lại, luân chuyển, điều động, biệt phái, bố trí, phân công, giới thiệu ứng cử, tái cử, chỉ định, miễn nhiệm, cho thôi giữ chức vụ, cho từ chức, cách chức, kỷ luật, tạm đình chỉ, đình chỉ chức vụ đối với cán bộ; kiểm tra, giám sát và kiểm soát quyền lực trong công tác cán bộ.

Ban cán sự Đảng giao Bộ trưởng Bộ Thông tin và Truyền thông (sau đây viết tắt là Bộ trưởng) thực hiện theo quy định của Đảng, pháp luật của Nhà nước và quy định của Bộ Thông tin và Truyền thông đối với các nội dung: tuyển dụng, đào tạo, bồi dưỡng, đánh giá, khen thưởng; thực hiện chế độ, chính sách; giải quyết khiếu nại, tố cáo đối với cán bộ. Đối với một số trường hợp cụ thể trong công tác cán bộ nếu theo quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước cần phải có ý kiến, quyết định của Ban cán sự Đảng thì thực hiện theo quy định đó.

Điều 4. Nguyên tắc quản lý cán bộ

  1. Ban cán sự Đảng thống nhất lãnh đạo, chỉ đạo công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ đảm bảo đúng theo các nguyên tắc sau đây:

a) Bám sát, cụ thể hoá đường lối, chủ trương, chính sách, quy chế, quy định của Đảng và pháp luật của Nhà nước về công tác cán bộ để lãnh đạo, chỉ đạo tổ chức thực hiện thông qua các cấp ủy, tổ chức đảng, đảng viên, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ;

b) Chăm lo xây dựng đội ngũ cán bộ; trực tiếp quản lý đội ngũ cán bộ, trước hết là cán bộ lãnh đạo chủ chốt các cấp của Bộ;

c) Phân công, phân cấp quản lý cán bộ, đồng thời thường xuyên kiểm tra, giám sát việc thực hiện của cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo các cơ quan, đơn vị thuộc Bộ.

  1. Bảo đảm thực hiện nghiêm nguyên tắc tập trung dân chủ, tập thể quyết định, đồng thời phát huy đầy đủ trách nhiệm cá nhân, trước hết là người đứng đầu trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ:

a) Những vấn đề về chủ trương, chính sách về công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ phải do tập thể cấp uỷ, tổ chức đảng, tập thể lãnh đạo có thẩm quyền thảo luận dân chủ, quyết định theo đa số. Trường hợp ý kiến của người đứng đầu và ý kiến của tập thể cấp ủy, tổ chức đảng, lãnh đạo cơ quan, đơn vị khác nhau thì phải báo cáo lên cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định;

b) Người đứng đầu cấp ủy, tổ chức đảng, cơ quan, đơn vị có trách nhiệm đề xuất và tổ chức thực hiện các quyết định của tập thể về cán bộ và công tác cán bộ trong phạm vi được phân công phụ trách;

c) Cá nhân, tập thể đề xuất; cơ quan tham mưu; cơ quan thẩm định; tập thể, người đứng đầu quyết định về cán bộ theo thẩm quyền phải chịu trách nhiệm về đề xuất, tham mưu, thẩm định, quyết định của mình;

d) Cán bộ, đảng viên phải nghiêm chỉnh chấp hành các nghị quyết, quyết định của cấp ủy, tổ chức đảng, người đứng đầu cơ quan, đơn vị; cấp ủy cấp dưới phải chấp hành quyết định của cấp ủy cấp trên; cơ quan, đơn vị cấp dưới phải chấp hành quyết định của cơ quan, đơn vị cấp trên về cán bộ và công tác cán bộ.

  1. Cấp uỷ đảng các cơ quan, đơn vị có trách nhiệm phối hợp chặt chẽ với tập thể lãnh đạo đơn vị trong công tác cán bộ và quản lý đội ngũ cán bộ.

Last updated